Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Tiết lộ của những người sản xuất Rau sạch VietGap -Không dám ăn rau do mình trồng theo tiêu chuẩn

Không dám ăn rau mình trồng và nhật ký VietGAP kiểu đối phó

Đến những vườn rau VietGAP ở xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), chúng tôi chứng kiến công nghệ phun, tắm để đạt tăng trưởng siêu tốc cho các loại rau bằng đủ loại hóa chất không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, rau này người trồng chỉ bán chứ không dám ăn.

Tranh thủ lúc vợ chồng anh N đang nhổ rau để chuẩn bị cho buổi chợ đêm, tôi ghé sang vườn rau của hộ ông TVT kế bên. Lúc này ông T cũng đang mải dặm nốt những liếp rau xanh trước khi chờ đến tối đóng hàng rau ra chợ.

Rau sạch hà nội -Vườn rau VietGAP kiểu đối phó
Vườn rau VietGAP kiểu đối phó

Vừa bước sang vườn rau nhà ông T, điều khiến tôi ngạc nhiên khi thấy treo tấm bảng “Mô hình sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP” rất bự giữa vườn, nhưng để ý cũng chẳng có gì khác biệt so với các vườn rau xung quanh.

Thấy tôi thắc mắc, ông T cười bảo: “Hôm nọ, có mấy đoàn xuống thăm vườn rồi vận động tôi tham gia lớp học VietGAP cùng với các hộ trồng rau khác. Xong vừa học được vài bữa họ đã xuống cấp cho tấm bảng này và bảo treo thì mình cũng treo đại vậy chứ có biết gì đâu. Còn trồng rau bắt buộc vẫn phải bón phân, phun thuốc hàng ngày để dưỡng rau tốt mới bán được thì “ghép” gì nổi hả chú?”.

Ông T cũng chẳng ngại cho biết, thực tế mỗi cây rau trong vườn nhà ông tính từ lúc gieo hạt xuống đến khi nhổ bán phảiphun tới dăm bảy loại thuốc, hết trừ sâu bệnh lại đến dưỡng rau, chưa kể mấy loại phân bón thúc. Thậm chí, gia đình ông cũng như nhiều hộ trồng rau ở đây còn dùng cả loại thuốc dành cho cây công nghiệp hay cây lúa để xử lý trên rau chống thối và dưỡng lá, cho thu hoạch sớm…
Nói rồi, ông T chạy vào nhà lôi ra mớ sổ khoe là “Nhật ký đồng ruộng” và hợp đồng chứng nhận, do ông mới tham gia lớp học VietGAP được họ phát sổ để về ghi chép hàng ngày.

Tôi cầm những cuốn sổ lật xem chỉ thấy có vài dòng nguệch ngoạc, còn nhiều chỗ vẫn để trống ngày, tháng...

Ông T giải thích: “Mặc dù họ hướng dẫn mình cách ghi chép theo quy trình, từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch phải ghi rõ vào sổ nhật ký ngày tháng gieo hạt, bón phân, phun thuốc...

Vậy nhưng công việc bận bịu tối ngày trên vườn, đêm còn phải lo “đi rau” về mệt khiến mình cũng chẳng còn nhớ gì mà ghi. Nói chú đừng cười, việc ghi chép cũng cho có lệ vậy thôi chứ thật ra cả dăm bảy loại phân thuốc này tôi chỉ gom vào ghi một lần để nộp cho xong.

Tuy nhiên, mình cũng chỉ ghi đủ theo hướng dẫn chứ ghi hết tất cả các loại thuốc trên rau có mà lộ hết à. Sau khóa học, họ cấp cho tấm bảng VietGAP này về treo nhưng chẳng được hỗ trợ gì thêm và đến nay cũng không thấy ai quay lại”.

Theo ông T, mỗi người nếu đi học sẽ được phát 25.000 đồng/buổi, cũng có hôm còn được 50.000 đồng tiền công ngồi nghe giảng VietGAP. Thậm chí, cuối khóa có người bận việc nghỉ ở nhà cũng được gửi tiền vì đã đăng ký học. Tuy nhiên, họ yêu cầu các “thí sinh” học xong về phải ghi chép nhật ký đồng ruộng đầy đủ để cuối khóa học (sau 4 tháng) nộp sổ lại để được xét cấp chứng nhận VietGAP.

Tôi hỏi: “Ông trồng rau nhưng hàng ngày có dám ăn rau không?”.

Ông T đáp: “Nói thật là vì chính tay mình trồng nên giờ cứ nhìn thấy rau là ngán, sợ lắm chẳng dám đụng đến. Nếu bữa nào có thèm lắm cũng chỉ cắt ít rau trồng riêng trong góc vườn để ăn, chứ lâu rồi cả nhà tôi chỉ ăn thịt cá riết cũng thành quen”.

“Vậy ông nghĩ thịt, cá không bẩn à?”, tôi vặn hỏi.

Ông T đáp: “Vẫn biết chẳng có món gì sạch hết, nhưng chẳng qua vì khuất mắt trông coi nên mới dám ăn chứ nếu chứng kiến thực tế người ta làm bẩn chắc mình đành nhịn luôn cho lành bụng”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét